Nghị định 15/2018/NĐ-CP: Thoáng nhưng có bỏ ngỏ chất lượng?

VH- Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã tạo ra sự thông thoáng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại việc thông thoáng này các cơ quan quản lý phải có cách gì để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Nghị định 15/2018/NĐ-CP: Thoáng nhưng có bỏ ngỏ chất lượng? - Anh 1

 Các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ giám sát khâu hậu kiểm sản phẩm Ảnh: S.G

 Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sự ra đời của Nghị định 15 sẽ tạo sự thay đổi lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, giúp cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, giúp tiết kiệm khoảng 1.600 ngày công và 600 tỉ đồng/năm.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, Nghị định mới thay đổi thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm, thay đổi về điều kiện sản xuất, kinh doanh để đảm bảo ATTP, tiệm cận với các phương thức quản lý chung trên toàn cầu. Chẳng hạn tất cả các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường, doanh nghiệp có thể tự công bố hoặc đăng ký công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước. Với những sản phẩm không thay đổi gì về chỉ tiêu an toàn thì chỉ cần công bố một lần có nghĩa là có giá trị vĩnh viễn chứ không như trước đây là phải 3 hoặc 5 năm phải công nhận lại. Trước đây, các sản phẩm bao gói trước khi lưu hành phải công bố chứng nhận hợp quy, thường quy, nhưng theo tính toán của Viện Quản lý kinh tế Trung ương thì số doanh nghiệp có thể tự công bố lên tới 90%. Đồng thời, hồ sơ yêu cầu Bản tự công bố, trình tự, thủ tục đăng ký bản công bố được giảm nhiều loại giấy tờ, thời gian thẩm định hồ sơ rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 7 ngày, trừ nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 30 ngày xuống 21 ngày.

“Cục An toàn thực phẩm chỉ có trách nhiệm đăng ký với các sản phẩm sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới…; còn các sản phẩm khác, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tự công bố và báo cho cơ quan quản lý địa phương. Một sản phẩm nhập khẩu về chỉ chịu sự kiểm tra chuyên ngành của một cơ quan, một cơ sở sản xuất nhiều nhóm ngành do nhiều cơ quan quản lý thì doanh nghiệp được tự lựa chọn một cơ quan quản lý để làm thủ tục hành chính; một doanh nghiệp có nhiều nhà máy sản xuất các mặt hàng thì được lựa chọn một địa phương để công bố cho tất cả các sản phẩm được sản xuất ở địa phương khác”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói.

Nghị định 15 được ban hành ngày 2.2 và có hiệu lực ngay từ ngày ký, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp, giảm phiền hà, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí… Vì có hiệu lực ngay, nên để tránh bỡ ngỡ cho doanh nghiệp và các địa phương, Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm trong vòng một tuần sau khi Nghị định được ban hành đã có công văn gửi các Chi cục An toàn thực phẩm và UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu triển khai ngay; đồng thời thành lập tổ phản ứng nhanh để giải đáp, tháo gỡ mọi vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, việc thông thoáng cho doanh nghiệp có đẩy người tiêu dùng phải tự lo lựa chọn các sản phẩm an toàn?

Lý giải vấn đề này, ông Phong cho biết, Nghị định 15 là một sự thay đổi về cách quản lý, trước kia là nặng về tiền kiểm, thì nay sẽ chú trọng đến công tác hậu kiểm. Do đó, nguồn lực, nhân lực cũng sẽ thay đổi từ giám sát, các thủ tục giấy tờ, chuyển sang giám sát, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Khi kiểm tra, chúng tôi sẽ thực hiện các test nhanh, với các sản phẩm xuất hiện chất cấm thì xử lý, phạt ngay.

Cũng theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Nghị định 15 đã tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình. Cục An toàn thực phẩm cũng sẽ đề xuất với Bộ Y tế, Chính phủ để sửa đổi nghị định 178 để tăng mức phạt hành chính với các doanh nghiệp vi phạm; đồng thời áp dụng nghiêm túc Điều 317 của Bộ luật Hình sự với các vi phạm về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Nghị định 15 chỉ là Nghị định về tạo cơ chế trong việc lưu hành sản phẩm trên thị trường, tập trung vào chỉ tiêu an toàn thực phẩm, không có nghĩa là bỏ trống chất lượng sản phẩm. Vấn đề ngày vẫn được Bộ Công an, Bộ Khoa học – Công nghệ kiểm soát chặt chẽ.

Hoàng Mai

 

Ý kiến bạn đọc